Quy trình, chiến lược và phương pháp dịch
tác giả Mahmoud Ordudari
Tóm lược
Dịch các khái niệm đặc trưng văn hóa (culture-specific concepts – CSC) nói chung và những lời ám chỉ nói riêng có lẽ là một trong số những nhiệm vụ khó khăn nhất mà một dịch giả phải thực hiện; nói cách khác, những lời ám chỉ là những vấn đề tiềm tàng của quá trình dịch thuật vì ám chỉ luôn kèm theo những nét nghĩa và ngụ ý trong ngôn ngữ gốc (Source language – SL) và nền văn hóa ngoài nước (Foreign culture – FC) nhưng không nhất thiết có trong ngôn ngữ đích (Target language – TL) và trong nền văn hóa trong nước. Để xử lý các CSC và những lời ám chỉ, ta có thể áp dụng một số quy trình và chiến lược dịch nhất định.
Nghiên cứu này nhắm tới việc xem xét liệu có điểm giống nhau nào giữa những quy trình và chiến lược này hay không, và xác định xem quy trình và chiến lược nào có thể có hiệu quả hơn những quy trình và chiến lược khác.
Từ khóa: Ám chỉ, khái niệm đặc trưng văn hóa, tên riêng, SL, TL.
- Giới thiệu
Dịch thuật thường được sử dụng để chuyển các văn bản hoặc lời nói bằng SL sang văn bản hoặc lời nói tương đương trong TL. Nhìn chung, mục đích của dịch thuật là nhằm tái tạo nhiều loại văn bản khác nhau – bao gồm tôn giáo, văn học, khoa học và triết học – trong một ngôn ngữ khác và từ đó giúp cho văn bản tiếp cận được với phạm vi người đọc rộng lớn hơn.
Nếu ngôn ngữ chỉ là một sự phân loại cho một bộ những khái niệm chung hoặc toàn cầu, thì hoạt động dịch từ SL sang TL sẽ trở nên dễ dàng; hơn thế nữa, trong các điều kiện này, quá trình học ngôn ngữ thứ hai sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với thực tế. Về vấn đề này, Culler (1976) cho rằng ngôn ngữ không phải là một danh pháp và các khái niệm trong một ngôn ngữ có thể có những khác biệt đáng kể so với trong một ngôn ngữ khác, vì mỗi ngôn ngữ lại kết nối hay tổ chức thế giới theo một cách khác nhau, và các ngôn ngữ không chỉ đặt tên cho các thể loại; mà bản thân chúng kết nối chính những thể loại của chúng (trang 21-2). Kết luận có thể rút ra được từ những gì Culler (1976) đã viết là một trong số những vấn đề phức tạp của dịch thuật chính là sự chênh lệch giữa các ngôn ngữ. Khoảng cách giữa SL và TL càng lớn bao nhiêu, thì việc chuyển thông điệp từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia càng khó khăn bấy nhiêu.
Sự khác biệt giữa một SL và một TL và sự khác biệt giữa hai nền văn hóa của chúng đã biến quá trình dịch thuật thành một thử thách thực sự. Trong số những yếu tố phức tạp có liên quan tới quá trình dịch thuật, chẳng hạn như hình thức, ý nghĩa, phong cách, thành ngữ, quán ngữ, vân vân …, nghiên cứu này sẽ tập trung chủ yếu vào các quy trình dịch CSC nói chung và các chiến lược xử lý ám chỉ nói riêng.
- Quy trình, chiến lược và phương pháp dịch thuật
Các quy trình dịch thuật, như đã được trình bày bởi Nida (1964) như sau:
- Quy trình kỹ thuật:
- đánh giá ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích;
- nghiên cứu kỹ lưỡng văn bản trong ngôn ngữ gốc trước khi bắt đầu dịch;
- Đưa ra đánh giá ước đoán về ngữ nghĩa và cú pháp. (trang 241-45)
- Quy trình tổ chức:
liên tục thực hiện đánh giá lại các bản dịch; so sánh nó với những bản dịch đã có của cùng một văn bản do những dịch giả khác thực hiện, và kiểm tra hiệu quả giao tiếp của văn bản bằng cách yêu cầu độc giả ngôn ngữ đích đánh giá tính chính xác và hiệu quả của bản dịch cũng như nghiên cứu phản ứng của họ (trang 246-47).
Krings (1986:18) định nghĩa chiến lược dịch là “những kế hoạch có thể có ý thức của người dịch nhằm giải quyết những vấn đề dịch thuật cụ thể trong khuôn khổ một công việc dịch thuật cụ thể,” và Seguinot (1989) tin rằng có ít nhất ba chiến lược chung được các dịch giả áp dụng: (i) dịch liên tục không gián đoạn trong thời gian càng dài càng tốt; (ii) sửa các lỗi trên bề mặt ngay lập tức; (iii) để lại việc giám sát các lỗi định tính hoặc phong cách trong bài dịch cho tới giai đoạn duyệt lại.
Hơn thế nữa, Loescher (1991:8) định nghĩa chiến lược dịch là “một quy trình có thể có ý thức nhằm giải quyết một vấn đề gặp phải trong việc dịch một văn bản hay bất kỳ phần nào trong văn bản đó.” Theo như định nghĩa này, khái niệm ý thức có vai trò quan trọng trong việc phân biệt các chiến lược được sử dụng bởi người học hoặc người dịch. Về vấn đề này, Cohen (1998:4) đánh giá rằng “ý thức chính là yếu tố phân biệt chiến lược với những quy trình không có tính chiến lược.”
Ngoài ra, Bell (1998:188) phân biệt giữa các chiến lược chung (những chiến lược dùng để xử lý toàn bộ văn bản) và chiến lược riêng (những chiến lược dùng để xử lý các phần của văn bản) và xác nhận rằng những khác biệt này sinh ra là do nhiều vấn đề dịch thuật khác nhau.
Venuti (1998:240) xác định rằng các chiến lược dịch thuật “bao gồm những công việc cơ bản như chọn lựa văn bản nước ngoài để dịch và phát triển phương pháp dịch văn bản đã chọn.” Ông áp dụng những khái niệm như nội địa hóa và ngoại địa hóa để nói về các chiến lược dịch.
Jaaskelainen (1999:71) coi chiến lược là “một loạt những khả năng, một bộ các bước hoặc quy trình có lợi cho sự thu thập, lưu trữ, và/hoặc sử dụng thông tin.” Ông tiếp tục duy trì quan điểm rằng các chiến lược “có tính chất suy nghiệm và linh hoạt, và việc áp dụng chúng thể hiện một quyết định chịu ảnh hưởng bởi những điều chỉnh trong mục tiêu của người dịch.”
Tính đến quá trình và sản phẩm của dịch thuật, Jaaskelainen (2005) đã chia các chiến lược dịch thành hai loại chính: một số chiến lược có liên quan tới những gì xảy ra với văn bản, trong khi đó những chiến lược khác lại có liên quan tới những điều xảy ra trong quá trình dịch.
Những chiến lược có liên quan tới sản phẩm, theo Jaaskelainen (2005:15), có liên quan tới nhiệm vụ cơ bản là chọn lựa văn bản SL và phát triển phương pháp để dịch nó. Tuy nhiên, bà duy trì quan điểm rằng các chiến lược có liên quan tới quá trình “là một bộ những luật lệ hoặc nguyên tắc (được hình thành một cách lỏng lẻo) mà một dịch giả sử dụng để đạt tới mục tiêu được xác định bởi tình huống dịch thuật” (trang 16). Hơn nữa, Jaaskelainen (2005:16) chia nó thành hai loại, cụ thể là chiến lược chung và chiến lược riêng: “chiến lược chung đề cập tới những nguyên tắc chung và phương thức hành động, và chiến lược riêng đề cập tới những hoạt động cụ thể có liên quan tới việc giải quyết vấn đề và ra quyết định của người dịch.”
Newmark (1988b) đã nhắc tới sự khác biệt giữa các phương pháp dịch và các quy trình dịch. Ông viết rằng, “[t]rong khi các phương pháp dịch nói tới toàn bộ văn bản, thì các quy trình dịch lại được sử dụng cho các câu và những đơn vị nhỏ hơn của ngôn ngữ” (trang 81). Ông tiếp tục nhắc tới những phương pháp dịch sau đây:
- Dịch từ-theo-từ: trong đó thứ tự từ trong SL được giữ nguyên và các từ được dịch riêng rẽ theo ý nghĩa thường gặp nhất của chúng, nằm ngoài ngữ cảnh.
- Dịch nguyên văn: trong đó các cấu trúc ngữ pháp của SL được chuyển sang những tương đương gần nhất của chúng trong TL, nhưng từ vựng lại một lần nữa được dịch riêng rẽ, nằm ngoài ngữ cảnh.
- Dịch trung thành: phương pháp này cố gắng tạo ra ý nghĩa chính xác theo ngữ cảnh của văn bản gốc trong khuôn khổ những giới hạn về cấu trúc ngữ pháp của TL.
- Dịch ngữ nghĩa: chỉ khác với ‘dịch trung thành’ ở chỗ phương pháp này cân nhắc nhiều hơn tới giá trị thẩm mĩ của văn bản SL.
- Chuyển thể: đây là hình thức tự do nhất của dịch thuật, và chủ yếu được sử dụng cho các vở kịch (hài kịch) và thơ; chủ đề, các nhân vật, cốt truyện thường được lưu giữ, văn hóa của SL được chuyển sang văn hóa TL và văn bản được viết lại.
- Dịch tự do: it produces the TL text without the style, form, or content of the original. phương pháp này tạo ra văn bản TL không mang theo phong cách, hình thức hay nội dung của bản gốc.
- Dịch đặc ngữ: phương pháp này tái tạo ‘thông điệp’ của bản gốc nhưng thường biến đổi các nét nghĩa bằng cách ưu tiên sử dụng lối nói thông tục cũng như những quán ngữ không xuất hiện trong bản gốc.
- Dịch giao tiếp: phương pháp này cố gắng xử lý ý nghĩa chính xác theo ngữ cảnh của bản gốc theo cách sao cho cả nội dung và ngôn ngữ đều được chấp nhận và hiểu một cách dễ dàng đối với người đọc (1988b: 45-47).
Newmark (1991:10-12) đã viết về một thể liên tục tồn tại giữa hai phương pháp dịch “từ vựng” và “giao tiếp”. Bất kỳ bản dịch nào cũng có thể “có nhiều hoặc ít tính từ vựng hơn – nhiều hoặc ít tính giao tiếp hơn – ngay cả một phần cụ thể hoặc một câu cũng có thể được xử lý theo cách giao tiếp hơn hay kém từ vựng hơn.” Cả hai đều tìm kiếm một “hiệu ứng tương đương.” Zhongying (1994:97), người ưa thích dịch nguyên văn hơn dịch tự do, viết rằng, “[t]ại Trung Quốc, rất nhiều người đồng tình rằng dịch giả nên dịch nguyên văn, nếu có thể, hoặc áp dụng dịch tự do.”
Để làm rõ sự khác biệt giữa quy trình và chiến lược, phần sau đây được dành cho việc thảo luận về các quy trình dịch những cụm đặc trưng văn hóa, và các chiến lược xử lý ám chỉ sẽ được giải thích chi tiết.
2.1. Các quy trình dịch các khái niệm đặc trưng ngôn ngữ (CSC)
Graedler (2000:3) đặt ra một số quy trình dịch CSC như sau:
- Tạo ra một từ mới.
- Giải thích ý nghĩa của cách diễn đạt trong SL để thay cho việc dịch nó.
- Lưu giữ toàn bộ khái niệm của SL.
- Tìm một từ trong TL có vẻ giống hoặc có mức độ “liên quan” ngang với cụm từ trong SL.
Định nghĩa các cụm từ gắn liền với văn hóa (culture-bound terms – CBT) là những cụm từ “chỉ các khái niệm, định chế và cá nhân đặc trưng đối với nền văn hóa của SL” (trang 2). Harvey (2000:2-6) đã đưa ra bốn kỹ thuật chính để dịch các CBT như sau:
- Tương đương chức năng: Điều này có nghĩ là sử dụng một tham chiếu trong văn hóa TL với chức năng tương tự như tham chiếu trong ngôn ngữ gốc (SL). Theo Harvey (2000:2), các tác giả vẫn chưa thống nhất về giá trị của kỹ thuật này: Weston (1991:23) mô tả kỹ thuật này là “phương pháp dịch lý tưởng,” còn Sarcevic (1985:131) lại đánh giá rằng kỹ thuật này “gây hiểu lầm và cần tránh.”
- Tương đương hình thức hoặc ‘tương đương ngôn ngữ’: Có nghĩa là dịch ‘từ-theo-từ’.
- Phiên mã hoặc ‘mượn’ (tức là tái tạo hoặc chuyển tự cụm từ gốc nếu cần): Đây là một trong số những chiến lược có liên quan nhiều nhất tới SL. Nếu cụm từ đã rõ ràng về mặt hình thức hoặc đã được giải thích trong ngữ cảnh, nó có thể được sử dụng một mình. Trong những trường hợp khác, cụ thể là khi không có bất kỳ giả định nào về hiểu biết về SL của người đọc, phiên mã sẽ được trình bày cùng với một lời giải thích hoặc ghi chú của người dịch.
- Dịch mô tả hoặc dịch tự giải thích: Kỹ thuật này sử dụng những cụm từ chung (không phải là CBT) để truyền tải ý nghĩa. Kỹ thuật này phù hợp với nhiều ngữ cảnh khác nhau khi tương đương hình thức được coi là không đủ rõ ràng. Trong một văn bản hướng tới một độc giả đặc biệt nào đó, việc bổ sung thêm cụm từ trong SL có thể giúp tránh sự mập mờ.
Dưới đây là những quy trình dịch khác nhau mà Newmark (1988b) đưa ra:
- Chuyển giao: Đây là quá trình chuyển một từ SL vào một văn bản TL. Quy trình này bao gồm cả chuyển ngữ và tương tự như khái niệm mà Harvey (2000:5) gọi tên là “phiên mã.”
- Tự nhiên hóa: Quy trình thích nghi từ trong SL trước hết là theo cách phát âm bình thường và sau đó là hình thái tự nhiên của TL. (Newmark, 1988b:82)
- Tương đương văn hóa: Có nghĩa là thay thế một từ có tính văn hóa trong SL bằng một từ trong TL. Tuy nhiên, “chúng không chính xác” (Newmark, 1988b:83)
- Tương đương chức năng: nó yêu cầu việc sử dụng một từ trung lập về mặt văn hóa. (Newmark, 1988b:83)
- Tương đương mô tả: trong quy trình này ý nghĩa của CBT được giải thích bằng một vài từ (Newmark, 1988b:83)
- Phân tích thành phần: có nghĩa là “so sánh một từ SL với một từ TL có nghĩa tương tự nhưng không phải là tương đương một đối một trực tiếp, bằng việc thể hiện trước hết là các thành phần nghĩa chung sau đó là các thành phần nghĩa khác nhau của chúng.” (Newmark, 1988b:114)
- Đồng nghĩa: nó là một “gần tương đương TL.” Trong quy trình này, kinh tế được đặt trên độ chính xác (Newmark, 1988b:84).
- Dịch mượn: đây là phép dịch nguyên văn của các cụm từ có nghĩa cố định thường gặp, tên của các tổ chức và các yếu tố của từ ghép. Quy trình này còn có tên gọi là dịch sao phỏng (Newmark, 1988b:84)
- Chuyển dịch hoặc chuyển vị: quy trình này bao gồm sự thay đổi về ngữ pháp từ SL sang TL, chẳng hạn, (i) thay đổi từ số ít sang số nhiều, (ii) thay đổi cần có khi một cấu trúc SL cụ thể nào đó không tồn tại trong TL, (iii) thay đổi một động từ SL thành một từ TL, thay đổi một cụm danh từ SL sang một danh từ TL, vân vân. (Newmark, 1988b:86)
- Điều biến: quy trình diễn ra khi người dịch tái tạo lại thông điệp của văn bản gốc trong văn bản TL và tuân thủ theo những quy tắc hiện hành của TL, vì SL và TL có thể có những khác biệt trong góc nhìn (Newmark, 1988b:88)
- Bản dịch được công nhận: quy trình diễn ra khi người dịch “thường sử dụng bản dịch chính thức hoặc được nhiều người công nhận của bất kỳ cụm từ có tính định chế nào.” (Newmark, 1988b:89)
- Bù đắp: quy trình này diễn ra khi sự mất ý nghĩa của một phần trong câu được bù đắp ở một phần khác (Newmark, 1988b:90)
- Diễn giải: trong quá trình này, ý nghĩa của CBT được giải thích. Tại đây, lời giải thích có nhiều chi tiết hơn nhiều so với trong quy trình tương đương mô tả. (Newmark, 1988b:91)
- Cặp: quy trình diễn ra khi người dịch kết hợp hai quy trình khác nhau (Newmark, 1988b:91)
- Ghi chú: ghi chú là những thông tin bổ sung trong một bản dịch (Newmark, 1988b:91)
Ghi chú có thể xuất hiện dưới dạng chú thích ở cuối trang. Mặc dù một số học giả theo chủ nghĩa phong cách cho rằng hình thức của bản dịch có chú thích cuối trang thiếu đẹp mắt, tuy nhiên, việc sử dụng ghi chú có thể giúp người đọc TL đánh giá tốt hơn về những nội dung trong SL. Nida (1964:237-39) ủng hộ việc sử dụng chú thích cuối trang để hoàn thành ít nhất hai chức năng sau: (i) cung cấp thông tin bổ sung, và (ii) kêu gọi độc giả chú ý tới sự chênh lệch giữa bản dịch và bản gốc.
Một khía cạnh hết sức phức tạp trong lĩnh vực dịch thuật là sự xuất hiện của ám chỉ, có vẻ như là những phần đặc trưng về văn hóa của một SL. Tất cả các loại ám chỉ, đặc biệt là ám chỉ văn hóa và lịch sử, mang tới một sự cô đọng nhất định trong ngôn ngữ gốc và cần phải được giải thích trong bản dịch để thể hiện được đầy đủ ý nghĩa của văn bản SL cho độc giả TL.
Xuất hiện một cách phong phú trong các bản dịch nguyên văn, ám chỉ, theo như Albakry (2004:3) chỉ ra, “là một phần của tri thức có sẵn về văn hóa bị tác giả coi nhẹ khi viết cho độc giả hầu hết là người Hồi giáo Ả Rập [SL]. Do đó, để đưa ra xấp xỉ gần nhất của ngôn ngữ gốc, việc sử dụng tới chú thích hoặc chú giải cuối trang là cần thiết.” Tuy nhiên, trong một bài viết khác, ông lại cho rằng, “chú giải cuối trang … có thể trở nên khá cản trở, và do đó, việc sử dụng chúng được hạn chế hết mức có thể” (Albakry, 2004:4).
2.2. Chiến lược dịch ám chỉ
Tên riêng (proper name – PN), được Richards (1985:68) định nghĩa là “tên của một người, một địa điểm hay một vật cụ thể nào đó” và được viết “với một chữ cái hoa,” đóng vai trò sống còn trong những công trình văn học. Chẳng hạn, hãy xem xét các PN cá nhân. Những tên này có thể dùng để chỉ hoàn cảnh, địa vị xã hội và quốc tịch của các nhân vật, và rất cần được chú ý tới khi được xử lý sang một ngoại ngữ.
Có một số mô hình chuyển đổi PN trong các bản dịch. Một trong số những mô hình này được trình bày bởi Hervey và Higgins (1986). Hai ông cho rằng có hai chiến lược để dịch PN. Họ chỉ ra rằng: “hoặc cái tên có thể được chuyển từ SL sang TL mà không thay đổi gì, hoặc cái tên có thể được thích nghi để tuân thủ theo những quy ước về phát âm/hình thức trong TL” (trang 29).
Hervey và Higgins (1986) gọi yếu tố trước là ngoại lai (exotism), yếu tố này “tương đương với dịch nguyên văn, và không bao gồm chuyển vị văn hóa nào” (trang 29), và yếu tố sau là sự chuyển ngữ (transliteration). Tuy nhiên, họ cũng đưa ra một quy trình khác, hay một lựa chọn khác, được gọi là ghép văn hóa. Được coi là “mức độ cao nhất của chuyển vị văn hóa,” ghép văn hóa được coi là quy trình trong đó “các tên SL được thay thế bởi tên bản địa trong TL mà không phải là tương đương nguyên văn của nó, nhưng có ngụ ý văn hóa tương đương” (Hervey & Higgins, 1986:29).
Về việc dịch các PN, Newmark (1988a:214) đánh giá rằng, “thông thường, tên riêng và tên họ của người sẽ được chuyển nguyên văn sang bản dịch, từ đó duy trì được tính quốc tịch và giả định rằng tên của các nhân vật không có ngụ ý nào khác trong văn bản.”
Quy trình chuyển nguyên văn không thể được đánh giá là hiệu quả nếu ngụ ý và những ý nghĩa tiềm ẩn là đáng kể. Dĩ nhiên, có một số tên người trong tác phẩm Gulestan của nhà thơ người Ba Tư Sa’di có mang theo ngụ ý và cần một chiến lược cụ thể để dịch. Giải pháp của Newmark (1988a:215) của vấn đề kể trên là như sau: “trước hết, dịch từ ngữ mang tên riêng SL sang TL, sau đó trung lập hóa từ đã dịch thành một tên riêng SL mới.” Tuy nhiên, có một hạn chế trong chiến lược nói trên. Dường như chiến lược này chỉ có tác dụng với các PN cá nhân, vì theo lập luận của Newmark (1988a:215), người đã bỏ qua quyền tận hưởng một văn bản được dịch của độc giả không có hiểu biết từ trước, chiến lược này chỉ có thể sử dụng “khi tên của nhân vật không thuộc hiểu biết của độc giả thông thạo TL.”
Leppihalme (1997:79) đưa ra một bộ chiến lược khác để dịch các ám chỉ trong tên riêng:
- Giữ lại tên:
- sử dụng cái tên theo nguyên văn.
- sử dụng cái tên và bổ sung thêm một số hướng dẫn.
- sử dụng cái tên, bổ sung thêm giải thích chi tiết, chẳng hạn như chú thích cuối trang.
- Thay thế bằng một tên khác:
- thay thế cái tên bằng một cái tên SL khác.
- thay thế cái tên bằng một cái tên TL.
- Lược bỏ tên:
- lược bỏ tên, nhưng chuyển thể hiện ý nghĩa bằng những cách khác, chẳng hạn như bằng một danh từ chung.
- lược bỏ cả tên và ám chỉ.
Hơn thế nữa, chín chiến lược dịch các ám chỉ của những cụm chủ chốt được Leppihalme (1997: 82) đưa ra như sau:
- Sử dụng bản dịch tiêu chuẩn,
- Thay đổi tối thiểu, tức là một bản dịch nguyên văn, mà không quan tâm tới ý nghĩa của hàm ý hay ngữ cảnh,
- Hướng dẫn về ám chỉ bổ sung vào văn bản,
- Việc sử dụng chú thích cuối trang, cuối văn bản, chú thích của người dịch và những hình thức giải thích cụ thể khác không được đưa vào văn bản nhưng được đưa ra cụ thể với tư cách thông tin bổ sung,
- Sự giống nhau do kích thích hoặc đánh dấu từ bên trong, tức là bổ sung thêm thông tin vào bên trong ám chỉ,
- Thay thế bằng một yếu tố trong TL,
- Giảm nhẹ ý nghĩa ám chỉ bằng cách viết lại hoặc giải thích,
- Tái tạo, áp dụng sự kết hợp của nhiều kỹ thuật: cấu trúc sáng tạo của một đoạn văn với gợi ý về ngụ ý của ám chỉ hoặc những hiệu ứng đặc biệt khác do nó tạo ra,
- Lược bỏ ám chỉ.
- Kết luận
Mặc dù một số học giả theo chủ nghĩa phong cách cho rằng bản dịch “chứa đầy chú thích cuối trang” là cần tránh, song việc sử dụng những chú thích này có thể trợ giúp người đọc TL đánh giá chính xác hơn về nội dung trong SL. Nhìn chung, có vẻ như các quy trình ‘tương đương chức năng’ và ‘chú thích’ sẽ có tiềm năng lớn hơn trong việc thể hiện những nội dung ẩn trong các CSC có trong văn bản; hơn thế nữa, có thể khẳng định rằng việc kết hợp những chiến lược trên sẽ giúp nâng cao khả năng hiểu chính xác các CSC hơn so với những quy trình khác.
Nhiều chiến lược được các dịch giả sử dụng trong việc xử lý các ám chỉ đóng một vai trò quan trọng trong việc nhận biết và nhìn nhận những ám chỉ đi kèm với chúng. Nếu một dịch giả mới xử lý một văn bản văn học mà không cân nhắc đúng mực tới những ám chỉ này, thì ngụ ý sẽ không được chuyển sang bản dịch do người dịch không nhận biết được chúng. Chúng sẽ bị mất đi hoàn toàn đối với phần lớn độc giả TL; do đó, bản dịch sẽ mất đi hiệu quả.
Một bản dịch chấp nhận được cần phải tạo ra hiệu ứng đối với người đọc TL giống như (hoặc ít nhất là tương tự) với những hiệu ứng do tác phẩm gốc tạo ra đối với người đọc của nó. Nghiên cứu này có thể cho thấy rằng một người dịch sẽ không thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ khó khăn là xử lý hiệu quả các CSC và PN nếu người dịch hy sinh, hoặc ít nhất là giảm thiểu, tác động của những ám chỉ để có thể lưu giữ được hình thức hoặc mô hình ngữ pháp của các PN trong ngôn ngữ gốc. Nói cách khác, một người dịch có trình độ không nên ngăn cản độc giả TL tận hưởng, hay thậm chí là nhận ra một ám chỉ, dù là vì trung thành với bản gốc hay vì sự súc tích đi chăng nữa.
Có thể khẳng định rằng phương pháp dịch tốt nhất có lẽ là phương pháp cho phép người dịch sử dụng ‘ghi chú.’ Hơn thế nữa, việc sử dụng ‘ghi chú’ trong bản dịch, với tư cách một chiến lược dịch và một quy trình dịch, dường như là không thể bỏ qua nếu muốn người đọc ngoại ngữ thu được lợi ích từ văn bản tương đương với người đọc ngôn ngữ gốc.
DỊCH TIẾNG sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dịch thuật công chứng nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung, Nhật, Đức, Hàn và nhiều ngôn ngữ khác) chất lượng cao với giá cạnh tranh. Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline +84 934 425 988. Tham khảo thêm thông tin tại website: http://www.dichthuattieng.com.vn/