NÊN và KHÔNG NÊN trong dịch thuật thương mại điện tử

Một trong số những lợi thế lớn nhất của thương mại điện tử chính là khả năng cho phép bạn tìm đến những khách hàng mới tại các thị trường khác nhau trên toàn thế giới. Rõ ràng tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất trên mạng internet, và thị trường thương mại điện tử dành cho khách hàng nói tiếng Anh là một thị trường rất lớn.

Theo một báo cáo về thương mại điện tử mới đây, thị trường Mỹ trong năm vừa qua được định giá với con số khổng lồ 305 tỷ USD, trong khi đó người tiêu dùng Anh hiện đang đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia có tỷ trọng thu nhập bình quân đầu người dành cho hoạt động mua sắm qua mạng nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, những con số này vẫn chỉ đại diện cho khoảng một phần tư tổng chi tiêu dùng, và Trung Quốc là thị trường lớn nhất, bỏ xa các thị trường khác trên thế giới. Để thực sự khai thác được những tiềm năng của thương mại điện tử, bạn sẽ phải nói bằng ngôn ngữ của khách hàng thông qua việc dịch thuật các nội dung của mình.

NÊN: Nhắm tới thị trường nhất định

Theo số liệu từ TechCrunch, ta có thể tiếp cận 90% số lượng khách hàng trên mạng thông qua 25 loại ngôn ngữ. Tuy nhiên, địa phương hóa các nội dung có thể là một quá trình tốn kém thời gian và tiền bạc, do đó bạn sẽ có được lợi ích tối đa khi đặt ra mục tiêu tập trung cho mình. Một số dự án địa phương hóa/dịch thuật có thể có phản ứng rất tốt – bằng việc sử dụng các công cụ như Google Analytics hay chỉ bằng việc xem xét những ghi chép về doanh thu, bạn có thể nhận thấy rằng doanh nghiệp của mình đã và đang thu hút được sự chú ý từ một số thị trường nhất định.

Trong khi đó, nhiều thị trường lại chỉ mang tính phỏng đoán. Bạn chỉ cảm thấy rằng sản phẩm và dịch vụ của bạn có thể có sức hút với người tiêu dùng nếu được thúc đẩy một chút tại một số thị trường nhất định. Để tối ưu hóa quá trình địa phương hóa/dịch thuật các nội dung của bạn, những linh cảm này cần được củng cố bởi các số liệu nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng.

NÊN: Địa phương hóa đi kèm với dịch thuật

Dịch thuật nội dung của bạn là rất quan trọng, song để có được ảnh hưởng thực sự tại một thị trường mới, bạn nên tiến hành địa phương hóa một cách toàn diện hơn. Như vậy có nghĩa là đối với một số nội dung, bạn có thể sẽ cần phải “dịch-tái tạo” thay vì chỉ dịch đơn thuần – về cơ bản, bạn sẽ phải viết lại nội dung của mình sao cho tương thích với thị trường đích. Chẳng hạn, những đoạn video trên website của bạn có thể phải được tạo mới hoàn toàn để phù hợp với thị trường mới.

Những yếu tố như định dạng giá tiền, thời gian và ngày tháng phải được chuyển đổi, ngoài ra, bạn cũng cần đi sâu hơn, áp dụng các yếu tố thiết kế thích hợp để hấp dẫn người tiêu dùng trong thị trường mới. Bạn nên chú ý loại bỏ những hình ảnh được xem là thiếu đứng đắn hoặc thiếu tôn trọng đối với những nền văn hóa khép kín hơn, hoặc tìm những người mẫu phù hợp với thị trường mà bạn đang nhắm tới. Một trang web được địa phương hóa toàn diện sẽ giúp bạn trở nên khác biệt so với những website chỉ có tên miền địa phương (chẳng hạn như .fr đối với Pháp hay .ru đối với Nga), mang lại cảm giác gần gũi hơn đối với người dân bản địa, đồng thời giúp cải thiện đáng kể SEO của trang web đối với các từ khóa tìm kiếm có tính chất địa phương.

KHÔNG NÊN: Dựa dẫm vào dịch tự động

Các công cụ dịch tự động có thể cung cấp bản dịch một cách nhanh chóng và dễ dàng, tuy nhiên bạn không thể chỉ dựa vào nó được.

Nói như vậy không có nghĩa là các công nghệ trong ngành dịch thuật không đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những bản dịch có chất lượng cao. Chẳng hạn, trong quá trình biên tập bản dịch, những biên dịch viên có kinh nghiệm sẽ soát lại bản dịch nội dung do máy dịch đưa ra bằng mắt thường, đảm bảo độ trôi chảy và loại bỏ các lỗi lớn. Trong khi đó, kho từ vựng và dữ liệu dịch được xây dựng dành riêng cho từng chủ đề dịch sẽ giúp đảm bảo được độ chính xác của các từ ngữ chuyên ngành, tên của sản phẩm và các thuật ngữ kỹ thuật khác, duy trì sự thống nhất xuyên suốt toàn bộ nội dung dịch thuật.

KHÔNG NÊN: Chỉ dịch một phần

Các trang web thương mại điện tử đôi khi chỉ tiến hành dịch một phần nội dung, đưa ra các lựa chọn vận chuyển và giá cả theo đơn vị tiền tệ địa phương, nhưng các thông tin và chi tiết về sản phẩm lại vẫn được giữ nguyên ở ngôn ngữ gốc. Điều này có thể khiến khách hàng cảm thấy khó chịu và có thể khiến các web-crawler bị rối loạn, ảnh hưởng tới SEO của bạn.

Quá trình dịch thuật và địa phương hóa kỹ lưỡng sẽ tiêu tốn của bạn nhiều thời gian và tài nguyên, nhưng đây cũng là cách tốt nhất để vươn tới các thị trường ngoài nước và khai thác triệt để các cơ hội trong ngành công nghiệp thương mại điện tử.


DỊCH TIẾNG sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dịch thuật công chứng nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung, Nhật, Đức, Hàn và nhiều ngôn ngữ khác) chất lượng cao với giá cạnh tranh. Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline +84 934 425 988. Tham khảo thêm thông tin tại website: http://www.dichthuattieng.com.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.